Kíp lái Ukraine sử dụng hệ thống pháo binh công nghệ cao của Đức có thể bắn ba quả đạn trong vòng vài giây,ơhộitiếpthịvũkhítrênchiếntrườ88vin bắn trúng cùng một điểm cách đó hơn 40 km. Nhưng đó là khi chúng chưa bị hỏng.
Những khẩu pháo Panzerhaubitze này là một phần trong kho vũ khí đang được thử lửa ở Ukraine, biến chiến trường nơi đây thành một hội chợ vũ khí lớn nhất thế giới.
Nhiều công ty sản xuất những mẫu vũ khí đang được sử dụng ở Ukraine đã giành được các đơn đặt hàng mới và đẩy mạnh dây chuyền sản xuất. Theo giới quan sát, việc triển khai những khí tài trị giá hàng tỷ USD trong một cuộc xung đột lớn trên bộ rõ ràng đã mang đến cho các nhà sản xuất và quân đội cơ hội để phân tích hiệu suất chiến trường của vũ khí cũng như tìm hiểu cách sử dụng chúng tốt nhất.
Các chuyên gia đánh giá những cuộc tranh luận xung quanh hiệu suất của những loại vũ khí đang hiện diện tại Ukraine có thể định hình hoạt động mua sắm quân sự nhiều năm tới.
Tại một hội chợ vũ khí lớn ở London tháng qua, những bên tham gia cho biết họ thường xuyên được hỏi về hiệu quả sử dụng của vũ khí trong xung đột Nga - Ukraine.
Mỹ và các quốc gia châu Âu đã gửi lượng vũ khí trị giá hàng tỷ USD đến Ukraine từ kho dự trữ quân sự hiện có và các nước đang bắt đầu thay thế số thiết bị này trong bối cảnh chi tiêu quân sự ngày càng tăng. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), tổ chức tư vấn có trụ sở tại Thụy Điển, chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng năm thứ 8 liên tiếp vào năm 2022 lên mức cao kỷ lục 2,24 nghìn tỷ USD.
Pháo binh và đạn pháo, máy bay không người lái (UAV), hệ thống phòng thủ tên lửa và bệ phóng tên lửa đa nòng đều được sử dụng khá phổ biến ở Ukraine. Các nhà sản xuất vũ khí cho hay một số thiết bị của những công ty như BAE Systems, Rheinmetall, Lockheed Martin và RTX, trước đây là Raytheon Technologies, đang nhận được đơn đặt hàng hoặc được nhiều người mua tiềm năng quan tâm.
"Mọi người đang nhìn vào Ukraine và xem những gì đang hoạt động hiệu quả ở đó", Tom Arseneault, quan chức cấp cao từ tập đoàn quốc phòng Anh BAE Systems, cho biết.
Theo BAE, họ đang đàm phán với Kiev về việc sản xuất pháo L199 ở Ukraine sau khi nó chứng tỏ sự hữu ích và các đơn đặt hàng đang tăng lên. Công ty tiết lộ cũng nhận thêm nhiều đơn hàng thiết giáp CV90 và lựu pháo M777.
Trong khi một số quốc gia đang bắt đầu mua thiết bị mới để bù vào số vũ khí được gửi đến Ukraine, các công ty cho biết việc mua sắm quân sự thường diễn ra chậm, đồng nghĩa nhiều đơn hàng sẽ không được thực hiện ngay lập tức.
Theo tướng Patrick Sanders, chỉ huy lục quân Anh, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã ảnh hưởng đến các quyết định mua sắm của nước này. Ông cho hay một bài học họ rút ra từ Ukraine là khả năng sửa chữa vũ khí trên chiến trường thực sự quan trọng như thế nào. Điều đó đặc biệt đúng với lựu pháo, loại vũ khí phương Tây được sử dụng rộng rãi nhất ở Ukraine.
Một kíp pháo binh Ukraine hoạt động bên ngoài Bakhmut, miền đông Ukraine, ca ngợi độ chính xác và tốc độ bắn của Panzerhaubitze. Họ cho biết loại thép cao cấp và đặc biệt dày của chúng mang lại khả năng bảo vệ mà những loại pháo khác không thể so sánh được. Nó đã vượt qua một trận pháo kích kéo dài hơn 60 phút mà chỉ bị tổn hại một chút ở bên ngoài.
Pháo Panzerhaubitze do Rheinmetall và chi nhánh KNDS của Đức sản xuất. Các công ty đã nhận đơn đặt hàng từ chính phủ Đức để thay thế các đơn vị được gửi đến Ukraine trước đó. Kiev cũng bày tỏ ý định mua chúng.
Tuy nhiên, theo các lính pháo binh Ukraine, việc sử dụng liên tục Panzerhaubitze đã dẫn đến sự cố. Một chiếc do kíp pháo binh ở Bakhmut vận hành đã bốc cháy và phải chuyển về Đức. Một chiếc khác gặp trục trặc trong khâu nạp đạn tự động. Hiện tại, nó được nạp thủ công.
Các nhà sản xuất vũ khí cho rằng vấn đề là do chúng hoạt động với tần suất quá lớn và thiếu bảo trì. Giám đốc điều hành Rheinmetall Armin Papperger cho hay nếu Ukraine bảo trì thiết bị điện tử tốt, sẽ không có vấn đề xảy ra.
Giới phân tích quân sự cho rằng một vấn đề khác là các lính vận hành Ukraine có thời gian huấn luyện quá ngắn để sử dụng nhuần nhuyễn. Pháo binh Ukraine chỉ được huấn luyện 5 tuần với Panzerhaubitze trong khi các binh sĩ Đức thường được đào tạo trong 4 tháng.
Các loại pháo khác của phương Tây cũng gặp vấn đề khi sử dụng liên tục. Một lính vận hành pháo tự hành AHS Krab của Ba Lan cho biết nòng pháo bị nứt vì được sử dụng quá nhiều.
Papperger nhận định cuộc xung đột Ukraine đã cho thấy vũ khí bị hao mòn nhanh như thế nào. Rheinmetall đến nay đã tăng gấp ba lần sản lượng nòng súng cho xe thiết giáp.
Theo đại tá Serhiy Baranov, người đứng đầu tổng cục tên lửa, pháo binh và các hệ thống không người lái của lực lượng vũ trang Ukraine, trung bình có nhiều nhất khoảng 70% số pháo nước ngoài hoạt động cùng lúc trên thực địa.
Baranov cho biết lựu pháo M777 do Anh sản xuất đang hoạt động nhiều hơn các loại pháo nước ngoài khác vì nó dễ sửa chữa và có nhiều phụ tùng thay thế hơn.
Giám đốc phụ trách mua sắm của Lầu Năm Góc Bill LaPlante hồi đầu tháng cho hay Mỹ gần đây đã hoàn thành đào tạo Ukraine về vận hành máy in 3D cỡ lớn để có thể chế tạo phụ tùng cho xe chở quân và các loại pháo.
Pháo binh Ukraine cho biết họ thấy M777 dễ sử dụng hơn và rất chính xác, đồng thời các bộ phận bằng titan nhẹ của nó giúp việc di chuyển qua các cánh đồng lầy lội dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, M777 cần phải kéo đi, đồng nghĩa nó di chuyển chậm hơn và dễ bị phản công hơn. Bên cạnh đó, các bộ phận nhẹ lại khiến nó dễ bị hư hại hơn do mảnh đạn.
Ukraine cũng đã đưa một số thiết bị của phương Tây vào thử nghiệm trong môi trường khắc nghiệt hơn những gì chúng từng trải qua trước đây. Thiết giáp CV90 từng tham chiến ở Afghanistan và Liberia, nhưng "nó hoàn toàn khác với những gì chúng ta đang thấy ở Ukraine", Dan Lindell, giám đốc phụ trách phương tiện chiến đấu tại chi nhánh BAE Systems Thụy Điển chuyên sản xuất xe bọc thép, lưu ý.
Lindell cho hay BAE đã nhận được thêm nhiều đơn hàng đặt mua loại xe này dựa trên hoạt động của nó ở Ukraine. Chính phủ Thụy Điển và Ukraine cũng đã ký một thỏa thuận về việc triển khai sản xuất CV90 ở Ukraine.
Các loại vũ khí khác đã nhận được lời khen ngợi từ Ukraine, trong đó có cả Tổng thống Volodymyr Zelensky, là pháo phản lực HIMARS của Mỹ và tên lửa tầm xa Storm Shadow của Anh.
Các công ty sản xuất những loại vũ khí này đang đẩy mạnh chế tạo vì đơn hàng dồn dập kéo đến. Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, quân đội Mỹ đã đặt hàng Lockheed Martin loạt hợp đồng trị giá 630 triệu USD để sản xuất HIMARS cho chính họ và các đồng minh.
Trong khi đó, RTX đang gia tăng sản lượng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot lên 12 hệ thống mỗi năm và có kế hoạch giao thêm 5 hệ thống nữa cho Ukraine vào cuối năm tới. Phần mềm của nó đã được tinh chỉnh để có thể tiêu diệt tên lửa siêu vượt âm.
"Khi vũ khí hoạt động thành công, các nhà sản xuất có thể thêm dòng chú giải 'đã được chứng minh trong chiến đấu' và điều này giúp ích rất nhiều cho việc bán hàng", Nicholas Drummond, cựu sĩ quan quân đội Anh, lãnh đạo công ty tư vấn công nghiệp quốc phòng AURA Consulting, giải thích.
Vũ Hoàng(Theo WSJ)